NoiThatXhome.vn - Sau khi gây sốc bởi một số đề xuất trong Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi, mới đây một lần nữa Bộ Xây dựng lại khiến nhiều người phải ngạc nhiên bởi đề xuất “Tạm dừng không triển khai tiếp các dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị chưa giải phóng hoặc giải phóng mặt bằng dở dang, đạt dưới 30% diện tích tại tất cả các địa phương trên cả nước”.
Lấy tiêu chí “giải phóng mặt bằng dưới 30%” để thu hồi dự án thì thật là khiên cưỡng.
Phải chăng đây là một giải pháp mới của Bộ Xây dựng để cứu bất động sản? Nếu đúng như vậy có thể Bộ Xây dựng đang “túng quá hóa quẩn” chăng?
Theo nhiều ý kiến thì cơ sở để Bộ Xây dựng đưa ra các đề xuất trên là do tồn kho trên thị trường bất động sản hiện quá cao nếu không thu hồi các dự án thì tồn kho sẽ tiếp tục tăng lên và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường. Cụ thể, theo Bộ Xây dựng, tại Hà Nội, tính đến hết tháng 6/2013, tổng tồn kho là 9.651 căn hộ/nhà ở, trong đó, 2.306 căn hộ chung cư, 3.483 căn nhà thấp tầng và 3.862 căn hộ chung cư do doanh nghiệp đầu tư để bán cho cán bộ, công nhân viên chức. So với cuối năm trước thì hàng tồn kho đã tăng 3.862 căn.
Tại Tp.HCM, tổng tồn kho vào khoảng 26.698 tỷ đồng, trong đó chung cư là 12.613 căn; nhà thấp tầng 326 căn; tồn kho đất nền nhà ở 265.753m2.
Cũng theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện trên cả nước đang triển khai 4.015 dự án nhà ở với tổng mức đầu tư gần 4,487 triệu tỷ đồng. Số vốn đã đầu tư vào các dự án khoảng 774.707 tỷ đồng, đạt 17,26% so với vốn đăng ký. Hiện tại, số dự án cần tạm dừng triển khai trên phạm vi cả nước là 524 dự án, chiếm khoảng 13% dự án thi công. Trong đó, Tp.HCM dẫn đầu với 322 dự án tạm dừng.
Như vậy, với con số dự án và số tiền đầu tư khổng lồ ở trên cùng với thực trạng thị trường bất động sản hiện nay thì việc một số dự phải dừng là điều tất yếu. Tuy nhiên, tiêu chuẩn nào để dừng thì là một vấn đề phải nghiên cứu kỹ càng. Tiêu chí “tiến độ giải phòng mặt bằng” mà Bộ Xây dựng đưa ra liệu có thật sự thuyết phục?
Về nguyên tắc khi một dự án đầu tư nào đó được phê duyệt phải trải qua một quá trình thẩm định đánh giá ngặt nghèo của nhiều cơ quan nhà nước. Trong đó hiệu quả kinh tế và xã hội phải được tính toán một cách kỹ càng. Đối với chủ đầu tư họ cũng phải tính toán các phương án thực hiện sao cho hiệu quả tài chính cao nhất.
Tuy nhiên, thực tế việc cấp phép dự án ở Việt Nam trong thời gian qua thực hiện một cách tràn lan thiếu kiểm soát. Nhiều chủ dự án “tay không bắt giặc”. Nhờ vào các mối quan hệ với chính quyền và ngân hàng để xin cấp phép và đầu tư dự án. Điều này đã gây ra rất nhiều hệ lụy như việc thu hồi đất gây bức xúc trong xã hội, quá nhiều dự án thiếu quy hoạch hợp lý dẫn đến thừa nguồn cung bất động sản, lãng phí tiền của xã hội. Ngoài ra, phát triển dự án không đồng bộ với cơ sở hạ tầng đã làm cho bộ mặt đô thị trở nên xấu xí. Hệ thống hạ tầng như cấp thoát nước, giao thông, trường học trở nên quá tải.
Dù vậy, lấy tiêu chí “giải phóng mặt bằng dưới 30%” để thu hồi dự án thì thật là khiên cưỡng. Điều này đồng nghĩa với có thể có dự án tốt về mặt dân sinh, có hiệu quả sẽ bị thu hồi, còn những dự án vi phạm, không hiểu quả lại ngang nhiên tồn tại. Trong khi đó, Bộ Xây dựng lại xem nhẹ các tiêu chí quan trọng như hiệu quả đầu tư đối với xã hội, nền kinh tế, tính khả thi về mặt tài chính, năng lực của chủ đầu tư, phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển từng vùng…
Như vậy, rõ ràng đề xuất của Bộ Xây dựng rất chủ quan, cảm tính, thiếu căn cứ từ lý thuyết lẫn thực tế. Nếu Bộ Xây dựng đưa ra đề xuất này nhằm “cứu bất động sản” thì cũng là một mục tiêu hết sức mơ hồ.
Bình luận & chia sẻ bài viết