NoiThatXhome.vn - Trong một năm qua, tái cấu trúc ngân hàng, xử lý nợ xấu trở thành một vấn đề quan tâm. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một đề án xử lý nợ xấu nào được công bố dù cách đây gần 3 tháng NHNN tuyên bố sẽ sớm trình Chính phủ? Thực tế, việc xử lý nợ xấu trên quy mô lớn là quá trình vô cùng phức tạp. Phải chăng vì những lý do này mà Việt Nam sẽ không có một “Công ty quản lý tài sản” (AMC) để xử lý nợ xấu như nhiều người mong đợi.
Xử lý nợ xấu trên quy mô lớn một công việc không hề dễ dàng
Theo công bố của NHNN thì nợ xấu của Việt Nam đến tháng 11/2012 vào khoảng 8,8% trên tổng dư nợ. Trong khi đó, mới đây Thống đốc cũng cho biết trong những tháng vừa qua các ngân hàng thương mại đã tái cấu trúc khoảng 250.000 tỷ đồng. Như vậy, nợ xấu thực tế của hệ thống ngân hàng có thể đã lên tới 17 đến 18%.
Xử lý nợ xấu được xem là vấn đề cấp bách để dòng vốn có thể vận động linh hoạt hơn và làm giảm rủi ro cho nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế đây là công việc không dễ dàng do nợ xấu hiện tại ở mức quá lớn và Việt Nam vẫn chưa có đủ các điều kiện để có thể xử lý nợ xấu ở quy mô lớn như vậy.
Những rào cản trong quá trình xử lý nợ xấu có thể kể đến gồm:
Thứ nhất, để xử lý khoản nợ xấu 300.000 – 400.000 tỷ đồng thì một AMC phải có số tiền hơn 100.000 tỷ đồng. Dù số tiền này huy động trên trên thị trường tài chính hay lấy tiền từ ngân sách thì cũng sẽ là con số quá lớn và không dễ dàng có được.
Thứ hai, hiện nay các khung pháp lý cần cho việc xử lý nợ xấu như luật phá sản, luật thương mại và hệ thống tòa án gần như chưa sẵn sàng.
Thứ ba, để xử lý nợ xấu cần một nguồn lực rất lớn, không chỉ tiền mà còn cả nguồn nhân lực. Vì phải có quá trình định giá nợ, thẩm định phương án xử lý nợ, hoặc đội ngũ quản trị để quản lý doanh nghiệp, tài sản thế chấp… Rõ ràng đây là một việc nằm ngoài khả năng tổ chức và chất lượng nguồn nhân lực của Chính phủ.
Thứ tư, nợ xấu ở Việt Nam gắn liền với việc cho vay dễ dãi của ngân hàng, công ty sân sau hay tín dụng chỉ định của Chính phủ, làm ăn thua lỗ của DNNN. Do vậy, xử lý nợ xấu sẽ đồng nghĩa với việc phải tác động ngay đến những vấn đề nhức nhối này. Đây là một rào cản quá lớn.
Thứ năm, quá trình xử lý nợ cần có một thị trường tài chính phát triển, năng động để tạo thanh khoản cho các tài sản tài chính sau khi được mua bởi AMC. Trong khi đó, thị trường tài chính Việt Nam vốn quá nhỏ bé, ít linh động lại đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi khó khăn trong nền kinh tế.
Trên đây là những rào cản quá lớn đối với việc xử lý nợ xấu của Việt Nam. Vượt qua được những rào cản đó để xử lý được nợ xấu trên quy mô lớn quả là một công việc không hề dễ dàng.
Sẽ không có đề án xử lý nợ?
Đề án xử lý nợ xấu được nhắc đến từ đầu năm đến nay và NHNN cho biết sẽ sớm công bố. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có đề án nào được công bố. Việc kéo dài thời gian và sự “thất hứa” nhiều lần của NHNN cho thấy để có được một đề án xử lý nợ xấu khó khăn như thế nào.
Cuối năm 2012, trong khi bàn về các giải pháp cứu bất động sản, NHNN cho biết có thể bơm ra thị trường 100.000 đến 150.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu nhằm hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa rõ phương án này.
Sáng ngày 09/01, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2013, Thủ tướng chỉ đạo vấn đề trọng tâm trọng năm 2013 là tập trung xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh việc xử lý nợ xấu “trăm sự nhờ các NHTM”, bởi chỉ có bản thân các ngân hàng mới hiểu được nguyên nhân nợ xấu và hướng xử lý.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo thêm, “Đề nghị NHNN và các NHTM tự mình cơ cấu lại ngân hàng một cách vững mạnh, không còn ngân hàng yếu kém, không để cổ đông ngân hàng này chi phối ngân hàng kia, rút tiền nơi này để đầu tư nơi khác, rút ruột, lập công ty con. Đó là hoạt động lừa đảo, vi phạm về đạo lý đã không chấp nhận được rồi chứ chưa nói gì đến những quy định của pháp luật”.
Đặc biệt sau cuộc họp được xem là định hướng cho hệ thống tài chính này vẫn không có đề án xử lý nợ xấu được công bố như kỳ vọng của nhiều người. Ngoài ra, ngay cả những kế hoạch thành lập một AMC cũng không được Chính phủ nhắc tới.
Kết hợp với thực tế xử lý nợ xấu hết sức khó khăn và những động thái từ phía Chính phủ cho thấy nhiều khả năng sẽ không có đề án xử lý nợ xấu nào, không có AMC nào được thành lập. Phương án khả dĩ nhất hiện nay là các ngân hàng phải tự xử lý nợ xấu. Như vậy, khả năng tung ra 100.000 đến 150.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu hỗ trợ cho bất động sản khó thành hiện thực. Điều này cũng đồng nghĩa với bất động sản sẽ còn gặp nhiều khó khăn phía trước.
Bình luận & chia sẻ bài viết