Cơ quan quản lý xây dựng và đơn vị cấp phép kinh doanh đều có lý lẽ riêng và tất cả đều… không sai.

Cơ quan quản lý xây dựng và đơn vị cấp phép kinh doanh đều có lý lẽ riêng và tất cả đều… không sai.

Cư dân chung cư Khang Phú, TP.HCM đang phản đối việc chủ đầu tư cho một đơn vị thuê mở phòng khám nhi tại khu vực dự định làm siêu thị ( Pháp Luật TP.HCM ngày 22-9). Lý do là việc mở phòng khám vừa sai công năng tòa nhà, vừa có nguy cơ gây ô nhiễm, dịch bệnh... Trong khi đó, chủ đầu tư cho rằng đây là phần sở hữu riêng hợp pháp nên có quyền cho thuê và đơn vị thuê được quyền mở phòng khám nếu cơ quan chức năng cho phép.


Chỏi nhau nhưng… ai cũng đúng


Đáng chú ý là trong trường hợp này, bên nói được hay bên bảo không đều không sai bởi họ viện dẫn điều luật của ngành mình. Lý lẽ của cơ quan quản lý về xây dựng: Theo quy định của ngành này, công trình phải được sử dụng đúng công năng khi xin phép xây dựng. Mỗi công năng có yêu cầu, điều kiện khác nhau về chỉ số quy hoạch kiến trúc, cách thức thiết kế… Chính vì thế, khi xin giấy phép xây dựng chủ đầu tư phải nói rõ về chức năng công trình và không được tùy tiện thay đổi trong quá trình sử dụng.


Riêng về chung cư, khoản 6 Điều 23 Quyết định 08/2008 của Bộ Xây dựng quy định cụ thể: “Nghiêm cấm sử dụng hoặc cho người khác sử dụng phần sở hữu riêng hoặc phần sử dụng riêng trái với mục đích quy định”. Chính vì thế, từ trước tới nay Sở Xây dựng TP.HCM đã nhiều lần lên tiếng về tình trạng căn hộ chung cư biến thành văn phòng hay nhà ở tư nhân được chuyển đổi thành trường học, bệnh viện. Tháng 6-2011, khi Bộ Xây dựng dự thảo một thông tư dự định cho phép chung cư được làm văn phòng nếu thỏa những điều kiện nhất định, Sở Xây dựng TP đã thẳng thắn kiến nghị không nên ban hành.


Nếu vậy, phải chăng trong vấn đề này lỗi thuộc về cơ quan cấp phép đăng ký kinh doanh? Các đơn vị này cũng đã không ít lần thanh minh rằng nếu họ từ chối cấp phép thì mới là làm sai và có thể bị kiện. Cụ thể, Luật Doanh nghiệp không yêu cầu địa điểm kinh doanh phải phù hợp mục đích sử dụng trong giấy phép xây dựng, cũng như nghiêm cấm việc đặt thêm các điều kiện không có trong quy định. Do đó, cơ quan đăng ký kinh doanh không được quyền từ chối khi gặp trường hợp chủ căn hộ hay người sử dụng xin đăng ký kinh doanh tại chung cư. Quyết định 08 của Bộ Xây dựng không thể nào đủ sức “lấn át” quy định cởi mở về điều kiện địa điểm đăng ký kinh doanh của Luật Doanh nghiệp được.



Phòng khám nhi tại khu vực dự định làm siêu thị trong chung cư Khang Phú, quận Tân Phú, TP.HCM. Ảnh: Tam Anh


Cần có một nghị định mới làm “trọng tài”


Trở lại trường hợp tranh chấp ở chung cư Khang Phú, câu hỏi đặt ra là cơ quan nào có thẩm quyền phán xử, hay nói cách khác là có quyền quyết định sự việc ngả theo hướng nào? “Không ai cả” - Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Ung Thị Xuân Hương khẳng định. Lý do, ở đây không có chuyện ai đúng ai sai mà do bản thân quy định pháp luật giữa các ngành đang có sự chồng chéo, mâu thuẫn.


“Tôi cũng cho rằng yêu cầu công trình sử dụng đúng công năng là cần thiết. Theo quan điểm của tôi, quy định về cấp giấy phép đăng ký kinh doanh hiện nay dễ quá, chỉ cần người xin phép kê khai về địa điểm, không cần xác minh hay xét địa điểm có hợp pháp, có đúng công năng hay không. Tuy nhiên, cơ quan đăng ký kinh doanh không thể làm khác vì luật của ngành họ đã quy định như vậy” - bà Xuân Hương giải thích.


Tóm lại, trong vụ chung cư Khang Phú và những trường hợp tương tự, cách giải quyết duy nhất hiện nay là dựa trên thỏa thuận giữa các bên hoặc có một bên “lùi bước” (ví dụ chủ đầu tư rút lại việc cho thuê mở phòng khám hay cư dân không khiếu nại nữa). Thông thường, nếu tình hình quá căng thẳng, đa phần chủ đầu tư sẽ nhân nhượng để tránh gây xích mích với cộng đồng dân cư, ảnh hưởng không tốt đến thương hiệu, công việc kinh doanh. Chung cư The Manor Mỹ Đình (Hà Nội) là một điển hình. Nhưng điều này không có nghĩa là họ đuối lý hay cơ quan cấp phép không được cấp.


Bà Xuân Hương cũng cho rằng để giải quyết tận gốc các tranh chấp tương tự, điều quan trọng là phải tạo được sự thống nhất giữa các cơ quan quản lý. “Chỉ có thể ban hành một nghị định mới để thống nhất sự chênh nhau này, còn thông tư hay quyết định của riêng một bộ nào đó sẽ không thể giải quyết” - bà Xuân Hương nhận xét.