NoiThatXhome.vn - Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào cuối tuần qua, Thống đốc NHNN cho rằng “người dân được lợi” khi có chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lớn. Sau đó, không ít chuyên gia còn cho rằng chênh lệch giá vàng không quan trọng bằng chênh lệch giá mua và giá bán. Vậy những nhận định trên liệu có chính xác? Kính lúp sẽ soi chiếu vấn đề này giúp quý vị.
Ngân hàng nhà nước có lời chưa chắc có lợi cho nền kinh tế
Câu nói “người dân được lợi” của Thống đốc NHNN nếu không đặt trong một bối cảnh cụ thể có thể gây hiểu nhầm. Theo lý giải của Thống đốc thì việc NHNN nhà nước bán vàng ra trong các đợt đấu thầu có lợi cho dân vì NHNN kiếm được lời. NHNN sẽ chuyển số lời này về ngân sách và số tiền được mang đi đầu tư toàn xã hội.
Lý luận này quả là hợp lý và nghe rất lọt tai. Tuy nhiên, trước khi mừng thì chúng ta phải xem xét một cách nghiêm túc. Về bản chất, đây chỉ là một chuyển giao từ người mua vàng vào ngân sách nhà nước. Những người mua vàng này trực tiếp đa số là ngân hàng thương mại. Như vậy, trước mắt thì rõ ràng những người mua trực tiếp này chính là những người bị thiệt. Tuy nhiên, xét rộng ra thì có thể họ bán một phần vàng ra nền kinh tế với giá cao lúc đó thì những người mua vàng trong nền kinh tế bị thiệt hại vì phải mua giá cao. Tất nhiên, những người mua vàng là người dân chứ là ai như vậy thì chắc chắn họ bị thiệt rồi.
Tuy nhiên, hơn thiệt thế nào thì phải xác định điểm cân bằng. Điều gì sẽ diễn ra nếu như số tiền lời mà NHNN thu được từ việc bán 15 tấn vàng, tương đương 1.500 tỷ đồng lại đổ vào những nơi kém hiệu quả, hay bị tham ô. Lúc đó rõ ràng xét trên bình diện chung của toàn bộ nền kinh tế thì rõ ràng là bị thiệt hại. Tuy nhiên, nếu số tiền này chia cho người nghèo, tức là lấy của người giàu (mua vàng) sàn bớt cho người nghèo thì có thể làm tăng phúc lợi xã hội. Như vậy, nói người dân được lợi từ việc NHNN có lợi nhuận vẫn không đủ cơ sở thuyết phục.
Trước đây trong đề án mua bán vàng của NHNN nói rõ việc mua bán vàng của NHNN là nhằm mục tiêu phi lợi nhuận. Như vậy, nói việc NHNN bán vàng lấy tiền cho ngân sách liệu có phù hợp?. Hơn nữa, NHNN là nơi thực hiện các chính sách tiền tệ và kiểm soát hệ thống ngân hàng chứ không có chức năng đi kiếm tiền cho ngân sách nhà nước.
Có thực sự chỉ chênh lệch giá mua giá bán mới quan trọng?
Trong bài trả lời trên truyền hình, Thống đốc NHNN khẳng định quan trọng là chênh lệch giá mua giá bán chứ không phải là giá cao hay thấp để lập luận cho quan điểm là giá vàng trong nước không cần phải sát với giá vàng thế giới. Lập luận này được TS.Vũ Đình Ánh khi trả lời phỏng vấn của Infonet ông cho rằng: “Giá vàng cao dân là người được lợi. Đối với người mua vàng thì có thể thiệt đôi chút, nhưng với người bán thì lại được hưởng lợi. Mà trên thị trường thì có cả người bán – người mua. Vì thế, chênh lệch giá trong nước với thế giới không phải là điều đáng quan tâm thời điểm này. Tôi cho rằng, điều cần quan tâm hơn, dù là hoạt động kinh doanh vàng hay tích trữ vàng lại là chênh lệch giữa giá mua vào – giá bán ra”.
Trong cuộc gặp gỡ giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM và nhóm chuyên gia cũng có một số chuyên gia thêm một lần nữa khẳng định là chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới không quan trọng mà quan trọng là chênh lệch giá mua và giá bán.
Như vậy, dường như có một sự đồng thuận cao giữa các chuyên gia và NHNN trong việc đánh giá về tác động của chênh lệch giá vàng để bác bỏ quan điểm và lo ngại về chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước từ trước đến này. Thậm chí có người còn cho rằng “cần phải” xử nghiêm những quan điểm sai trái?
Vậy thực tế ra sao? Theo lý thuyết kinh tế học thì việc giá cả hàng hóa được bán ra không phải là mức cân bằng tự nhiên trên thị trường đều gây ra mất mát vô ích "DWL - Deadweight loss". Đây là kiến thức sơ đẳng nhất trong kinh tế vi mô chắc chắn là những người được gọi là chuyên gia kinh tế không thể không biết đến.
Vậy mất mát vô ích là gì? Hiểu một cách đơn giản là nếu mức sẵn lòng chi trả của bạn là 36 triệu đồng/lượng vàng, giá trên thị trường là 42 triệu đồng/lượng. Như vậy bạn không thể mua được lượng vàng đó. Trong khi đó nếu để cho thị trường vàng liên thông thì bạn sẽ mua được vàng đúng với giá thế giới là 36 triệu đồng/lượng. Như vậy, việc bạn không thể mua được vàng sẽ làm giảm độ thỏa dụng của bạn đó chính là mất mát của xã hội. Tập hợp tất cả những người như bạn sẽ làm mất mát vô ích của toàn xã hội.
Mất mát vô ích đối với hàng hóa nào đó xảy ra khi có chính sách thuế, hạn ngạch nhập khẩu hoặc độc quyền. Như vậy, rõ ràng việc để giá vàng trong nước cao hơn mức giá cung cầu đáng ra nó phải có, tức là để thị trường vàng trong nước liên thông với giá vàng thế giới đã gây ra mất mát vô ích đối với toàn xã hội.
DWL là một khái niệm khá trừu tượng. Ngay cả khi bỏ qua điều đó “bằng mắt thường” ta cũng thấy được thiệt hại về ai. Trước đây, khi thị trường vàng hoạt động sôi nỗi thì chênh lệch giá mua và giá bán vàng thường 50 -100 nghìn đồng/lượng. Tuy nhiên, sau khi có chính sách độc quyền thì chênh lệch này càng rộng ra và luôn duy trì ở mức 200 nghìn đến 1 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân chênh lệch này đơn giản vì cung không đáp ứng đủ cầu nền người bán vàng có thể định giá vàng bán cao hơn mua. Như vậy, rõ ràng các tổ chức được phép kinh doanh vàng được lợi từ chính sách độc quyền vàng.
Một bằng chứng khác còn cho thấy một cách khá rõ ràng ai được lợi từ chênh lệch giá vàng. Trong các báo cáo của Hội đồng vàng thế giới cho thấy hàng năm Việt Nam tiêu thụ hàng trăm tấn vàng. Phần lớn vàng này là vàng nhập khẩu từ bên ngoài vào. Việt Nam liên tục đứng trong danh sách 10 quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Thống kê này được xem là tương đối tin cậy bởi công ty nghiên cứu tư vấn vàng toàn cầu GFMS (Gold Fields Mineral Services – một bộ phận của Reuters).
Cụ thể, năm 2011 cầu vàng ở Việt Nam là 100,8 tấn, trong đó 87,8 tấn là vàng đầu tư, năm 2012 cầu vàng là 77 tấn, trong đó vàng đầu tư là 65,6 tấn. Như vậy, bất chấp việc NHNN cho biết là 2 năm qua không cấp phép cho doanh nghiệp nào nhập vàng lượng tiêu thụ vàng vẫn rất lớn. Như vậy, chỉ có thể lý giải phần lớn vàng trong số này là vàng nhập lậu.
Điều này là hoàn toàn có cơ sở khi chúng ta thấy trong thời gian qua thỉnh thoảng các cơ quan chức năng bắt được hàng chục kg vàng nhập lậu về Việt Nam. Còn theo giải thích của GFMS thì họ có bằng chứng và cơ sở của vàng nhập lậu về Việt Nam. Với mức chênh lệch giá vàng miếng từ 3-4 triệu, còn vàng trang sức 1-3 triệu trong suốt năm qua thì rõ ràng những người nhập vàng lậu về có thể kiếm lời rất lớn. Như vậy, ai được lợi từ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã quá rõ ràng.
Thiết nghĩ dù chuyên gia hay quan chức trước khi phát biểu đưa ra nhận định cũng cần phải có một cái nhìn thấu đáo. Không thể tư duy theo kiểu 1+1 = 2 một cách đơn giản. Điều này vô cùng nguy hiểm vì nó làm “mù mắt” người dân và góp phần “hạ thấp dân trí”. Câu chuyện vê vàng chỉ là một ví dụ nhỏ trong hàng loạt vấn đề đáng bàn.
Bình luận & chia sẻ bài viết