NoiThatXhome.vn – Sau cuộc đối thoại lịch sử với bà con Văn Giang, GS Đặng Hùng Võ đã thừa nhận mình sai, tưởng rằng ông đã làm nhiều người “yên tâm”. Tuy nhiên, qua việc ông liên tục trả lời phỏng vấn báo chí trong thời gian qua thì có thể họ đã nhầm tưởng.

NoiThatXhome.vn – Sau cuộc đối thoại lịch sử với bà con Văn Giang, GS Đặng Hùng Võ đã thừa nhận mình sai, tưởng rằng ông đã làm nhiều người “yên tâm”. Tuy nhiên, qua việc ông liên tục trả lời phỏng vấn báo chí trong thời gian qua thì có thể họ đã nhầm tưởng.

Trước cuộc gặp gỡ “lịch sử” ngày 08/11/2012, GS Đặng Hùng Võ đã nhiều lần khẳng định là ông không có gì sai. Tuy nhiên, trước những chứng cứ sắc bén của luật sư và bà con nông dân Văn Giang thì cuối buổi gặp ông đã tự nhận mình sai và xin lỗi bà con. Người nông dân đã vỗ tay trước lời xin lỗi của ông với một niềm tin về công lý. Nhiều người tin rằng đây là một tiền đề, một bước ngoặt cho việc sửa đổi Luật Đất đai và việc thực thi bộ luật đầy nhạy cảm này một cách công bằng.

Sau sự chờ đợi hào hứng đó có lẽ nhiều người cảm thấy thất vọng với ông. Mới đây, trả lời phỏng vấn VietNamNet, GS Đặng Hùng Võ thừa nhận: “Suốt 10 năm trước khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực, chúng ta đã không thực hiện đúng thẩm quyền, với hơn 3000 văn bản”. Để sửa cái sai suốt 10 năm, Ông đề xuất “Tốt nhất là Chính phủ đặt thẳng vấn đề sang Quốc hội, Ủy ban Thường vụ có một nghị quyết công nhận những cái lệch thẩm quyền ấy vì đều là những việc đã giải quyết lâu rồi. Cũng cần thuyết minh rõ cái lệch này không gây hậu quả gì, dù quyết định ở tầm lớn”.

Có thể nói đây là một đề xuất có tính “lịch sử”. Xóa đi một cái sai để hậu quả cho hàng trăm nghìn người dân bị thu hồi đất, mất nhiều tiền của do bị thu hồi không thỏa đáng bằng một quyết định, vậy tính thượng tôn pháp luật trong một nhà nước pháp quyền ở đâu? Bằng cách nào ông có thể chứng minh được các quyết định thu hồi trái pháp luật “không gây hậu quả gì”? Những suy nghĩ và đề xuất đó khiến không ít người phải lo ngại.

Ảnh: Dân trí

Trước đó khi giải thích vì sao ký tờ trình về việc thu hồi đất tại Văn Giang, GS Đặng Hùng Võ khẳng định dự án đổi đất lấy hạ tầng này mang lại lợi ích kinh tế xã hội tỉnh Hưng Yên, Hà Nội và người dân Văn Giang. Chỉ với lý luận đó mà Ông Võ đã tin là việc thu hồi đất làm dự án Ecopark là hoàn toàn đúng đắn.

Mới đây, trả lời phỏng vấn VietNamNet trong bài có tựa đề “Bản chất hai vụ Tiên Lãng-Văn Giang khác nhau!” một lần nữa ông khẳng định: “Trong trường hợp dự án Ecopark - Văn Giang, tôi cho rằng đây là một dự án rất tốt, một đô thị xanh trên biên giới với Thủ đô và trên đường cao tốc nối với Thủ đô. Về nguyên tắc, dự án này sẽ mang lại lợi ích trực tiếp ngay cho các làng bị mất đất nông nghiệp vì giá đất ở sẽ tăng lên ngày càng cao. Quá trình đô thị hóa sẽ đưa ngay nông thôn ở đó vào đô thị”.

Như vậy, tuy là một giáo sư được xem là đầu ngành, một cựu thứ trưởng nhưng có lẽ ông không phải là một nhà làm chính sách có tầm. Về nguyên tắc, một dự án ra đời ngoài mục tiêu phát triển kinh tế xã hội thì phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Ở đây chưa bàn đến liệu dự án Ecopark có thật sự mang lại lợi ích kinh tế như lời của ông hay không, hay nó chỉ là một dự án góp phần làm cho cục nợ xấu bất động sản phình thêm và chi phí xã hội lớn thêm, chỉ xét trên khía cạnh công bằng đã thấy nhiều điều bất cập.

Thực vậy, dự án đã lấy đi hàng trăm hecta đất của người dân mà chỉ đền bù với một giá rẻ (khoảng 120.000 đồng/m2) hơn nhiều lần so với số tiền mà họ có thể làm ra trên mãnh đất đó. Cuộc sống của hàng nghìn người nông dân sẽ ra sao khi họ không có đất để canh tác? Những người có đất đáng ra họ có thu nhập để trang trải cuộc sống giờ đây bị đẩy đến đường cùng bởi một quyết định nào đó. Liệu có công bằng hay không khi một nhóm người được hưởng lợi còn một nhóm người bị thiệt hại. Rõ ràng đánh giá một dự án hiệu quả cần phải xem xét, thẩm định một cách toàn diện bằng những phân tích khoa học chứ không phải là “cho rằng”.

Cũng trong bài phỏng vấn kể trên, GS Đặng Hùng Võ cho rằng “Từ chuyện không bằng lòng với mức bồi thường, kể cả đã thực hiện đúng pháp luật, người dân quay ra phán xét quyết định về quy hoạch, về thu hồi đất, về thủ tục thực hiện, về hiệu quả dự án này kia có đúng không? Đấy là cách người khiếu kiện hay vận dụng”.

Đây là một câu trả lời rất đáng thất vọng vì nó có rất nhiều mâu thuẩn và thiếu công tâm. Nếu Ông Võ khẳng định “đúng pháp luật” thì chắc chắn không cần phải sợ “phán xét”, “khiếu kiện” hay “vận dụng”. Ngoài ra, việc “phán xét”, khiếu kiện là quyền của công dân, trong một xã hội quyền này càng được khuyến khích thì nó càng thể hiện xã hội dân chủ văn minh.

Thực tế, rất nhiều người tin tưởng vào cái tâm của GS Đặng Hùng Võ. Việc ông bày tỏ bức xúc và có rất nhiều kiến nghị có giá trị đối với việc sửa đổi Luật Đất đai là một điều đáng được ghi nhận và tôn trọng. Tuy nhiên, chúng ta không khỏi cảm thấy quan ngại về cách tư duy của ông qua cách suy nghĩ và kiến nghị của ông.