Mặc dù nhiều chuyên gia BĐS nhận định, với việc dòng vốn lưu thông trên thị trường thông thoáng hơn, thị trường BĐS sẽ sớm quay đầu phục hồi tuy nhiên, đến thời diểm này, mặc dù đã có nhiều phương kế được đưa ra nhưng tình trạng giao dịch BĐS vẫn ảm đạm.

Mặc dù nhiều chuyên gia BĐS nhận định, với việc dòng vốn lưu thông trên thị trường thông thoáng hơn, thị trường BĐS sẽ sớm quay đầu phục hồi tuy nhiên, đến thời diểm này, mặc dù đã có nhiều phương kế được đưa ra nhưng tình trạng giao dịch BĐS vẫn ảm đạm.

Tác động của chính sách thắt chặt tín dụng chính là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến thị trường bất động sản lâm vào cơn bĩ cực như hiện nay. Theo tìm hiểu của PV Petrotimes, ở hầu hết các loại hình BĐS các giao dịch đều bị “đóng băng”, kể cả phân khúc nhà ở cho người có thu nhập thấp, với nguyên nhân do thiếu vốn.


Và để tiếp tục duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư (NĐT) thuộc phân khúc thị trường nhà ở thương mại, khu biệt thự nghỉ dưỡng, đất liền kề đã ra “chiêu” giảm giá từ 10-20% hoặc cao hơn. Thế nhưng, thị trường vẫn trầm lắng, số lượng giao dịch nói chung và số lượng giao dịch thành công chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.



Thị trường BĐS vẫn ngập chìm trong bộn bề khó khăn.


Từ khuyến mại khủng…


Tiến hành khảo sát tại một loạt dự án như khu đô thị mới Lê Trọng Tấn – Galeximco, hay đất nền trên trục đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông), trước đây, có thời điểm giá lên tới 120 triệu đồng/m2 thì nay giá đã xuống quanh mức 40-50 triệu đồng/m2.


Hay như dự án Vân Canh, đất liền kề thời đỉnh điểm từng được giao dịch phổ biến ở mức 54-60 triệu đồng/m2, tăng hơn 20 triệu đồng/m2 so với mức giá gốc bán ra của chủ dự án (đã bao gồm cả nhà xây thô). Nhưng hiện nay, giá đất liền kề tại đây chỉ còn trên dưới 40 triệu đồng/m2, thậm chí có lúc chỉ còn 38 triệu đồng/m2.


Mức giảm giá “ấn tượng” nhất phải kể đến dự án Khu đô thị Bắc An Khánh – Splendora. Thời cao điểm nhất, đất nền tại đây được bán “vênh” tới 40 triệu đồng/m2 so với giá gốc mà chủ dự án bán cho các NĐT có hợp đồng cho vay vốn (1.200 USD/m2). Nhưng hiện nhiều NĐT sở hữu suất biệt thự tại dự án này bán ra giảm từ 20-35% so với trước.


Tình hình tương tự cũng đang diễn ra trên thị trường BĐS tại TP HCM, báo cáo về thị trường BĐS TP HCM của Tập đoàn BĐS Savills Việt Nam cho thấy, giá biệt thự, nhà liền kề quý II/2011 giảm so với quý I khoảng 10%.


So với thời điểm quý IV/2010 và quý I năm nay, giá đất biệt thự cao nhất tại TP HCM lên tới 4.000 USD/m2, thì nay mức giá của phân khúc này chỉ còn 3.000-3.500 USD/m2; Giá trung bình biệt thự liền kề thứ cấp hiện phổ biến khoảng 910.000 USD/căn, giảm 1,5-3 tỉ đồng/căn so với trước. Mặc dù giá giảm mạnh, song số lượng giao dịch thành công rất ít.


…đến “chiến dịch” hội nghị, hội thảo


Song hành cùng với các chương trình khuyến mại khủng, thời gian gần đây, hàng loạt hội nghị, hội thảo xoay quanh lĩnh vực BĐS được tổ chức quy mô, có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các DN và NĐT. Tuy nhiên, hiệu quả từ các cuộc hội thảo này vẫn chưa đủ sức “đánh thức” thị trường BĐS vốn bị “đóng băng” khá lâu.



Nhiều khu chung cư như Văn Khê, Dương Nội, Xa La... cũng đang rơi vào trạng thái ế ẩm.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, để “đánh thức” thị trường BĐS phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó giải quyết bài toán về vốn là then chốt. Việc các DN và NĐT giảm giá nhằm kích cầu thị trường chỉ là giải pháp “giật gấu vá vai”. Còn việc “hơi nóng” của các cuộc hội nghị, hội thảo nếu có tác động đến thị trường BĐS thì cũng không đang kể.


Liên quan đến việc giải bài toán về vốn cho vay BĐS, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: Bộ Xây dựng đã gửi công văn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực BĐS theo hướng “không tăng tỉ trọng tín dụng BĐS trong tổng dư nợ của toàn hệ thống, nhưng cần phải điều chỉnh linh hoạt tỉ trọng cho vay đối với từng khoản mục tín dụng BĐS”.


Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, để thị trường BĐS phục hồi cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp, như: Tăng cường năng lực về vốn và hiệu quả kinh doanh của các DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS; Tăng cường quản lý Nhà nước đối với thị trường BĐS; Tăng cường quản lý rủi ro và kiểm soát hiệu quả dòng tín dụng vào BĐS; Chính sách tiền tệ cần được vận hành chặt chẽ, linh hoạt nhất quán, có kế hoạch phân bổ đều nhằm bảo đảm tăng trưởng tín dụng ổn định, có chất lượng; Hoàn thiện cơ chế, chính sách.