NoiThatXhome.vn - Suốt mấy ngày qua thông tin về thị trường bất động sản trở nên sôi động khi Ngân hàng nhà nước (NHNN) công bố dự thảo thông tư về quy định cho vay hỗ trợ mua nhà theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ. Đây có lẽ là thông tin được giới bất động sản kỳ vọng nhất từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, xem ra 30.000 tỷ đồng chỉ như muối bỏ bể và không thể cứu bất động sản.

NoiThatXhome.vn - Suốt mấy ngày qua thông tin về thị trường bất động sản trở nên sôi động khi Ngân hàng nhà nước (NHNN) công bố dự thảo thông tư về quy định cho vay hỗ trợ mua nhà theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ. Đây có lẽ là thông tin được giới bất động sản kỳ vọng nhất từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, xem ra 30.000 tỷ đồng chỉ như muối bỏ bể và không thể cứu bất động sản.

Chắc chắn gói 30.000 tỷ mà NHNN dự định tung ra không phải là liều thuốc cho thị trường bất động sản hiện nay. Ảnh: NoiThatXhome.vn

Mập mờ cơ sở gói 30.000 tỷ

Cuối cùng giới bất động sản cũng đã nhận được một tín hiệu từ chính sách khi NHNN công bố dự thảo thông tư về việc dành 30.000 tỷ đồng với lãi suất 6% để cho vay trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, những mục tiêu và quy định cụ thể xung quanh gói cứu trợ này cho đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn.

Đầu tiên, dự thảo thông tư quy định đối tượng được vay vốn là người có thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, mua nhà ở xã hội và mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Câu hỏi đặt ra tại sao cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang là nhóm đối tượng ưu tiên nhận gói cứu trợ này? Phải chăng NHNN mặc định những đối tượng này là đối tượng nghèo khó trong xã hội hay không? Hay đây là một chính sách của Chính phủ nhằm trợ giúp cho “người nhà” có được nhà ở xã hội.

Lý do thứ nhất thì hoàn toàn không hợp lý. Những công chức, viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang chắc chắn không phải tất cả là đối tượng thu nhập thấp nhất. Ngoài ra, định nghĩa như thế nào là thu nhập thấp cũng cần phải được làm rõ không thì mập mờ dẫn đến nảy sinh nhiều hệ lụy.

Với trường hợp thứ 2 cũng không thuyết phục. Về nguyên tắc, Chính phủ không thể dùng tiền NHNN mà thực chất là việc in tiền rồi cho vay giá rẻ để trợ giúp cho công chức, viên chức của mình. Điều này vi phạm nguyên tắc điều hành chính sách. Chính phủ có thể sử dụng ngân sách của mình để hỗ trợ lãi suất chứ không thể sử dụng NHNN như một công cụ để thực hiện chính sách tài khóa.

Bên cạnh đó, dự thảo lại bỏ sót đối tượng là người vay mua nhà ở xã hội. Trong khi đó về nguyên tắc những người nằm trong đối tượng được mua nhà ở xã hội rõ ràng phải là đối tượng được ưu tiên. Đối tượng này có thể bao trùm công chức, người thu nhập thấp…. Ngược lại, dự thảo thông tư lại đưa đối tượng là nhà ở thương mại kèm theo điều kiện giá, diện tích vào làm đối tượng ưu tiên.

Cuối cùng, dù không có bất cập trên thì một câu hỏi đặt ra là căn cứ vào đâu NHNN lại thực hiện chính sách này. Về nguyên tắc NHNN chỉ can thiệp trên thị trường tiền tệ chứ không thể trực tiếp tham gia vào các vấn đề có tính chất trực tiếp như dự thảo thông tư. Việc hỗ trợ đối tượng này, đối tượng kia là công việc của Chính phủ.

Không nên kỳ vọng quá nhiều

Nhiều người kỳ vọng Nghị quyết 02 là liều “thuốc tiên”. Tuy nhiên, với nội dung dự thảo thông tư này thì khó có kỳ vọng gì nhiều. Đầu tiên dễ dàng nhìn thấy 30.000 tỷ đồng là một số tiền quá nhỏ so với quy mô của thị trường bất động sản hiện nay. Không những vậy việc cho vay chắc chắn sẽ được xét duyệt một cách kỹ lưỡng và có thể kéo dài trong vài năm. Rõ ràng đây chỉ là một liều thuốc mang tính chất “an thần” chứ không phải cấp cứu.

Dự thảo thông tư còn chỉ ra đối tượng vay rất hạn chế trong đó chủ yếu là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đối tượng “thu nhập thấp” được đề cập một cách rất mờ nhạt, còn đối tượng mua nhà ở xã hội thì gần như không được đề cập. Điều này cho thấy chính sách không hoàn toàn hướng đến việc “cứu” bất động sản mà mang tính chất an dân hoặc Nhà nước đang muốn hỗ trợ cho “người nhà” của mình.

Cuối cùng một điều cần hết sức lưu ý là tính pháp lý của những giải pháp này. Việc NHNN sử dụng vốn giá rẻ cho một đối tượng nhất định nào đó không phù hợp với quy định hiện hành. Bên cạnh đó nó vi phạm nguyên tắc hoạt động, điều hành chính sách tiền tệ của một ngân hàng trung ương thông thường trên thế giới. Hệ lụy của nó đối với nền kinh tế có thể còn lớn hơn rất nhiều so với lợi ích có thể mang lại.

Tóm lại: Giới bất động sản không nên kỳ vọng quá nhiều vào chính sách này. Chắc chắn gói 30.000 tỷ mà NHNN dự định tung ra không phải là liều thuốc cho thị trường bất động sản hiện nay. Chỉ khi nào Chính phủ thật sự áp dụng các biện pháp căn cơ để vực dậy thị trường thì mới có thể giải quyết được tình trạng bị đát hiện nay của thị trường bất động sản.