NoiThatXhome.vn - Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã sử dụng trần lãi suất như một công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Ở một khía cạnh nào đó nó cũng đã có tác dụng nhất định trong việc bình ổn thị trường. Tuy nhiên, cả về thực tế lẫn lý thuyết, trần lãi suất đều không đạt được hiệu quả như mục tiêu của chính sách. Điều đáng nói là không ít người vẫn ngộ nhận về tác dụng của công cụ này.

NoiThatXhome.vn - Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã sử dụng trần lãi suất như một công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Ở một khía cạnh nào đó nó cũng đã có tác dụng nhất định trong việc bình ổn thị trường. Tuy nhiên, cả về thực tế lẫn lý thuyết, trần lãi suất đều không đạt được hiệu quả như mục tiêu của chính sách. Điều đáng nói là không ít người vẫn ngộ nhận về tác dụng của công cụ này.

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Mới đây, NHNN đã bỏ trần lãi suất huy động động đối với kỳ hạn trên 12 tháng và hạ trần lãi suất cho 4 nhóm đối tượng ưu tiên theo Thông tư 14 xuống còn 13%. NHNN cũng cho biết sẽ dần bỏ trần lãi suất trong thời gian tới. Để có một cái nhìn thấu đáo hơn về trần lãi suất bài phân tích này chỉ ra 3 ngộ nhận về tác dụng của trần lãi suất.

Ngộ nhận áp lãi suất trần cho vay để cứu doanh nghiệp

Đầu tháng 5 vừa qua NHNN ban hành Thông tư 14, theo đó thì lãi suất cho vay 4 nhóm đối tượng ưu tiên được khống chế chênh lệch không quá 3% trần lãi suất huy động. Mới đây nhất NHNN ban hành Thông tư 20 áp trần lãi suất đối với nhóm đối tượng trên là 13%. Như vậy, sau 2 năm bỏ lãi suất trần cho vay đã được áp dụng trở lại.

Cơ sở để NHNN áp mức trần này vì cho rằng trong thời gian qua ngân hàng lời quá nhiều, lãi suất cho vay quá cao gây khó khăn cho doanh nghiệp. Việc áp trần lãi suất cho vay nhằm buộc ngân hàng phải chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp, giảm lãi suất thị trường để cứu doanh nghiệp, cứu nền kinh tế. Tuy nhiên, liệu thực tế có đơn giản như vậy không?

Theo lý thuyết kinh tế khi hàng hóa (không độc quyền) bị áp giá trần thì sẽ gây ra mất mát vô ích (Dead weight loss). Về bản chất lãi suất là giá của tiền đang được giao dịch trên thị trường. Do vậy, khi áp trần lãi suất cho vay cũng gây tổn thất vô ích cho xã hội.

Thực vậy, ngân hàng xác định mức lãi suất cho vay phụ thuộc vào 3 điều kiện là chi phí vốn, mức độ rủi ro của khách hàng và cầu thực tế trên của thị trường. Những khách hàng có rủi ro càng cao thì mức độ bù rủi ro càng lớn nên lãi suất cho vay đối với họ càng cao. Việc “cào bằng” lãi suất cho vay chênh lệch 3% lãi suất huy động đồng nghĩa với việc những khách hàng có độ rủi ro cao và họ sẵn sàng vay với lãi suất cao hơn lãi suất trần sẽ không thể vay được vốn. Đối với ngân hàng thì họ cũng không thể cho khách hàng có mức độ rủi ro cao vay thấp hơn mức trần lãi suất. Như vậy, việc áp trần lãi suất cho vay đã hạn chế nguồn cung vốn cho thị trường, hạn chế cơ hội tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc gây khó cho doanh nghiệp chứ không phải là hỗ trợ doanh nghiệp như mục đích của chính sách.

Trong điều hành nền kinh tế, nhà nước chỉ áp giá trần đối với những hàng hóa có tính chất độc quyền hoặc có tính chất đặc biệt. Lãi suất trên thị trường hiện nay có lẻ không rơi vào những trường hợp đó nên việc áp dụng trần lãi suất chưa hẳn là một chính sách hợp lý.

Thực tế, trần lãi suất cho vay đã được gỡ bỏ vào giữa tháng 4 năm 2010 sau hai năm áp dụng thể hiện rất nhiều bất cập. Trong những lần áp dụng cơ chế trần lãi suất đều xuất hiện hiện tượng ngân hàng và người đi vay cùng thường xuyên “phối hợp” để lách luật. Chính sách áp lãi suất trần cho vay đối với 5 nhóm đối tượng theo Thông tư 14 cho đến nay vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả. Doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn do không đủ điều kiện vay vốn với lãi suất thấp hoặc không muốn vay vốn triển vọng kinh doanh u ám.

Ngày 08/06 vừa qua, NHNN đã ban hành Thông tư số 20/2012/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14. Theo đó, lãi suất cho vay đối với các nhóm khách hàng ưu tiên theo Thông tư 14 tối đa là 13%/năm. Như vậy, Thông tư 14 gần như đã hết hiệu lực sau 1 tháng ban hành. Nhiều người cho rằng việc NHNN giảm lãi suất quá nhanh gây xáo trộn trên thị trường tiền tệ. Thực tế, rất ít doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn vay dưới 13%. Việc áp trần lãi suất này chỉ là một liệu pháp tâm lý hơn là việc hướng tới tác dụng thực tế.

Ngộ nhận giảm trần lãi suất huy động có thể làm giảm lãi suất cho vay

Trần lãi suất huy động được áp đặt 12% vào cuối tháng 2 năm 2008 nhưng chỉ 3 tháng sau bị gỡ bỏ do tồn tại nhiều bất cập. Vào tháng 3 năm 2010, trước tình trạng các ngân hàng chạy đua tăng lãi suất huy động một lần nữa cơ chế trần lãi suất huy động lại áp dụng trở lại. Tuy nhiên, cũng như trước đó thị trường vẫn “làm ngơ” với quy định này và lãi suất huy động thực tế trên thị trường bỏ xa mức trần 14%.

Tháng 9 năm 2011, NHNN quyết tâm áp đặt trần lãi suất huy động bằng cách đưa ra những hình phạt nghiêm khắc đối với những ngân hàng vi phạm. Sang năm 2012 với việc lạm phát được kiềm chế từ ngày 13/03 đến nay NHNN đã 4 lần giảm lãi suất trần huy động. Lần mới đây nhất NHNN đã giảm trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn 1 đến 12 tháng là 9%, còn kỳ hạn trên 12 tháng thì áp dụng cơ chế lãi suất thả nổi.

Trong các đợt áp trần lãi suất vào năm 2008 và 2010 của NHNN là nhằm mục đích ngăn chặn việc các ngân hàng lao vào cuộc đua tăng lãi suất huy động. Trong khi đó, 3 đợt hạ trần lãi suất vừa qua là nhằm hạ giá vốn cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay.

Chỉ trong thời gian ngắn, có đến 3 đợt giảm trần lãi suất.

Về lý thuyết, hậu quả của việc áp trần lãi suất huy động tương tự như việc áp trần lãi suất cho vay. Khi lãi suất huy động giảm đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ huy động được ít vốn hơn do lãi suất tiền gửi không còn hấp dẫn nên người gửi tiền sẽ rút tiền ra hoặc không gửi tiền mới vào hệ thống ngân hàng. Do vậy, ngân hàng huy động được vốn ít hơn dẫn đến thiếu hụt nguồn cung lúc đó lãi suất cho vay không thể giảm mà còn tăng cao hơn so với trước. Ngoài ra, đối với những ngân hàng nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu nên lãi suất cao là công cụ duy nhất để họ huy động được vốn. Việc áp trần lãi suất huy động trong thời gian qua đã đẩy nhiều ngân hàng nhỏ rơi vào tình trạng căng thẳng thanh khoản do không huy động được vốn.

Thực tế, chứng minh những quy luật kinh tế đã diễn ra trong các đợt áp trần lãi suất huy động suốt thời gian qua. Trong những tháng cuối năm 2011 vốn huy động đã sụt giảm mạnh do lãi suất trần bị siết lại, nhiều ngân hàng nhỏ bị căng thẳng về thanh khoản. Hiện nay, sở dĩ dù lãi suất trần huy động giảm nhưng không có cuộc chạy đua lãi suất là do lạm phát kỳ vọng giảm và ngân hàng đang dư thừa vốn.

Ngộ nhận áp trần lãi suất cho vay theo lãi suất cơ bản để chống vay nặng lãi

Bộ luật Dân sự năm 2005, quy định lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Trong đó lãi suất cơ bản được định nghĩa là lãi suất do NHNN công bố. Quy định này nhằm chống việc cho vay nặng trên thị trường và làm cơ sở xử lý các hợp đồng dân sự.

Tuy nhiên, thực tế một thời gian dài NHNN và các ngân hàng phải đã “né” quy định này. Đến năm 2008 khi lãi suất được đẩy lên đến chóng mặt do lạm phát bùng nổ thì NHNN mới sử dụng “bửu bối” này để áp trần lãi suất cho vay. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng đã nảy sinh rất nhiều bất cập. Lãi suất cơ bản mà NHNN công bố đã mất đi chức năng vốn có của nó là một lãi suất có tính chất định hướng cho lãi suất trên thị trường.

Nhận ra những bất cập vào tháng 4/2010 NHNN đã cho phép lãi suất hình thành theo cơ chế thỏa thuận. Từ cuối năm 2010, lãi suất cơ bản không còn đề cập đến. Tuy nhiên, hiện tại trần lãi suất vẫn còn hiệu lực theo Luật Dân sự nên đã đặt ngân hàng và những người cho vay tiền vào một tình huống pháp lý bất lợi. Cho đến nay những bất cập này vẫn chưa được tháo gỡ dù NHNN đã có một số lần kiến nghị sửa hoặc bỏ quy định về lãi suất cho vay tại Điều 476 Bộ luật Dân sự.

Trên thực tế mục tiêu của quy định này đã không phát huy tác dụng như những nhà làm luật mong muốn. Thiếu căn cứ khoa học và thiếu linh hoạt đã làm cho quy định này không có tính thực tế. Lãi suất cho vay trên thị trường phi chính thức thường ở mức cao hơn rất nhiều so với quy định.

Tóm lại: Việc áp trần lãi suất chỉ có tác dụng trong một số trường hợp nhất định còn đa phần làm méo mó thị trường. Đặc biệt nó còn dẫn tới việc không ít người ngộ nhận trần lãi suất như một công cụ để hạ lãi suất hay chống cho vay nặng lãi. Cả thực tế và lý thuyết đều cho thấy việc áp trần lãi suất “lợi bất cập hại”. Mới đây NHNN đã nới việc áp trần lãi suất huy động tuy vậy điều này dương như vẫn chưa đủ. Vì vậy, có lẽ đã đến lúc NHNN nên trả lại lãi suất cho thị trường.